Trang chủ > Tin tức
Mua bán thầu vẫn còn "đất diễn"
- Tình trạng mua bán thầu tồn tại dai dẳng nhiều năm trong quản lý chất lượng công trình giao thông. Tại cuộc họp mới đây do Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì, với hàng loạt câu hỏi và trả lời trực diện, đi thẳng vào gốc rễ của vấn đề phần nào lý giải nguyên do của tình trạng này.
Việc lựa chọn nhà thầu có trách nhiệm là yếu tố quyết định đến chất lượng
công trình
Bán đến 30% mà vẫn có người nhận làm
Cuộc họp đã nóng từ lúc mới bắt đầu khi Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi: “Quản lý, xây dựng định mức, dự toán có vấn đề gì, tại sao các chủ thầu phê duyệt rồi mà vẫn bán thầu? Thậm chí, còn bán với phần trăm lớn, có phải do xây dựng định mức không hợp lý? Quang Đức (nhà thầu tại dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên - PV) bán đến 30% mà vẫn có người nhận làm, nếu làm đúng chất lượng có đảm bảo?”.
Trả lời những câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội KHKT cầu đường VN cho biết: “Sở dĩ có tình trạng bán thầu nhiều phần trăm mà vẫn có người nhận làm là do có những đơn vị chỉ chăm chăm mục đích kinh doanh lấy lợi nhuận, không thực sự làm nghề. Vì mục đích kinh doanh nên đối với họ, chất lượng công trình chỉ ở trên sổ sách”.
Người đứng đầu ngành GTVT tiếp tục truy vấn: “Thế bán mấy chục phần trăm mà sao họ vẫn làm được, vẫn nghiệm thu được?”."Không phải sau mấy năm bảo hành mà có khi nhiều năm sau công trình giao thông mới hỏng. Trong vấn đề chất lượng công trình kém có thông đồng giữa tư vấn và nhà thầu”.PGS. TS. Tống Trần Tùng
Tổ trưởng Tổ tư vấn Bộ trưởngÔng Long cho rằng: “Các nhà thầu có nhiều “cửa” bớt xén. Chẳng hạn như chuyện vận chuyển đất đá ra khỏi công trình, lẽ ra phải mang ra xa đổ thì họ chỉ ủi một cái xuống luôn. Trong việc này có lỗi của các chủ thể quản lý. Ở đây là tư vấn giám sát”.
Ở một góc nhìn khác, ông Trịnh Xuân Cường - thành viên Tổ tư vấn của Bộ trưởng nhận định: “Vật liệu mà vào công trình 70% là không bảo đảm. Bên cạnh đó, khi vào làm sẽ phát sinh kéo dài thời gian do GPMB nên nhà thầu lợi dụng việc này “tát nước theo mưa”, xin điều chỉnh giá. Họ nhận thầu giá chỉ bằng 2/3 sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Chẳng hạn một công việc đòi hỏi thợ bậc cao nhưng vì nhận gói thầu rẻ nên họ đi gom lao động phổ thông làm nên ảnh hưởng đến chất lượng. Nhưng sao vẫn nghiệm thu được? Vì nó không thể hiện ra ngoài. Khi nghiệm thu mặt đường vẫn êm thuận, láng bóng, độ phẳng vẫn đạt nhưng sau một thời gian mới thể hiện ra”.
Ngồi nhấp nhổm giơ tay xin phát biểu, ông Lê Thanh Hà - Chánh Thanh tra Bộ GTVT thẳng thắn: “Cái gốc cuối cùng là ở Ban QLDA. Luật đã qui định, hành vi bán thầu chỉ cần chuyển nhượng vượt quá 10% khối lượng hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng đã bị coi là bán thầu sẽ bị cấm từ một đến ba năm. Thế nhưng lâu nay không thấy áp dụng, không xử lý vì các Ban QLDA làm ngơ việc ấy”.
Ông Hà nói thêm, đã bán thầu, rút tỷ lệ cao thì không thể có chất lượng đảm bảo, chỉ có chất lượng trên giấy. Các thí nghiệm, kiểm tra để nghiệm thu nếu chỉ theo hồ sơ thì không phát hiện ra. “Chúng ta phải xác định rõ, chủ đầu tư như thế nào, sẽ làm ra sản phẩm thế ấy. Không Ban QLDA nào không biết, chỉ có làm ngơ nhà thầu mới dám làm thế. Cần xử lý trách nhiệm chủ đầu tư đến cùng”, ông Hà kiên quyết.
Bộ GTVT đang triển khai nhiều biện pháp kiểm soát chặt chất lượng công trình giao thông
Phát hiện bán thầu phải xử nghiêm
Liên quan đến vấn đề nhạy cảm này, ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCT GT) cho biết, thời gian qua trong công tác lựa chọn nhà thầu, Cục đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ xử lý các chủ thể liên quan trong quá trình triển khai dự án. 12 nhà thầu thi công đã bị chấm dứt hợp đồng, cấm thi công vô thời hạn, cắt điều chuyển khối lượng. Cùng đó, đơn vị đã chấm dứt hợp đồng, phê bình, trừ điểm trên bảng xếp hạng tư vấn đối với 5 nhà thầu tư vấn thiết kế và xử lý 8 tư vấn giám sát bằng hình thức cảnh cáo và trừ điểm xếp hạng. Bên cạnh đó, ba trường hợp đại diện chủ đầu tư, ban QLDA đã bị xử lý trách nhiệm.
Cũng theo ông Sanh, để kiểm tra, giám sát chất lượng công trình, trong thời gian qua, Cục QLXD&CLCTGT đã thành lập 4 tổ công tác về khắc phục vệt lún hằn bánh xe, rà soát kiểm tra thi công ngoài hiện trường đối với dự án QL1 và QL14 qua Tây Nguyên, giám sát chất lượng công tác khắc phục tại các dự án bị hằn lún và tổ kiểm tra khắc phục tình trạng này.Bộ GTVT tiết giảm hàng nghìn tỷ chi phí đầu tưTheo Cục QLXD&CLCTGT, tính đến tháng 8/2014, toàn ngành GTVT đã rà soát 44 dự án, tiết giảm được tới 39.365 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2014, đã có 25 dự án được rà soát và kinh phí tiết giảm ước tính khoảng 5.241 tỷ đồng. Trước đó, tính đến tháng 12/2013, đã rà soát 21 dự án, tiết giảm được 35.517 tỷ đồng. Tuy nhiên, do hai dự án Ngã ba Huế, QL1 đoạn Quán Hành – Quán Bánh đã rà soát nhưng sau đó giữ nguyên phương án ban đầu nên số lượng các dự án tiết giảm được rút xuống còn 19 dự án với kinh phí là 34.124 tỷ đồng.Trước ý kiến và trả lời của các chuyên gia, cơ quan của Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng thể hiện rõ sự không hài lòng trong vấn đề này. Bộ trưởng cho rằng, năm nào cũng được xác định là “Năm chất lượng công trình giao thông”, nhưng chất lượng công trình vẫn nhiều tồn tại. Quan điểm của Bộ là bất cứ đầu tư bằng nguồn vốn nào cũng đều là ngân sách, là tiền đóng thuế của người dân, kể cả vốn BOT, BT, PPP. Vì thế các ban QLDA phải quản lý tất cả các dự án có vốn ngoài ngân sách như là dự án vốn ngân sách.
“GTVT là ngành tiêu nhiều tiền của dân nhất, cũng là lĩnh vực làm ảnh hưởng nhất đến người dân. Người dân đã chịu nhiều thiệt thòi khi chúng ta thi công trước cửa nhà, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt. Vì thế, việc bảo đảm tiến độ, chất lượng là đòi hỏi chính đáng của người dân và xã hội. Việc này vừa là trách nhiệm, vừa là danh dự của ngành Giao thông”, Bộ trưởng nói.
Thời gian qua, các chủ thể dù đã cố gắng nhưng chưa thể hiện hết được quyết tâm của lãnh đạo Bộ trong việc kiểm soát chất lượng công trình giao thông. Suy cho cùng nguyên nhân bán thầu là do thực hiện không nghiêm. Chế tài chưa quy định rõ được trách nhiệm giữa quyền hạn, quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ. “Cần phải xác định ở đâu tạo ra sản phẩm thì ở đấy phải chịu trách nhiệm. Cục QLXD&CLCTGT nếu phát hiện trường hợp tiêu cực, bán thầu và các Ban QLDA làm không tốt phải đề xuất xử lý nghiêm”, Bộ trưởng gay gắt.
Các bài viết khác
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Dự án đường giao thông thành phố Hà Nội
Thông xe 24 cầu vượt trên quốc lộ 5
Khánh thành Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long và động thổ đoạn Bắc Ninh - Uông Bí
Tháng 8 sẽ hoàn thành cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Bộ Giao thông lập 8 đoàn xử lý xe cơi nới thùng hàng
Kết nối các phương thức vận tải tuyến Hải Phòng - Lào Cai
Singapore xây dựng hàng rào chống ồn giao thông
Cầu 12 tiên phong đổi mới công nghệ làm cầu
Hà Nội thống nhất xây cầu mới cách cầu Long Biên 75m
Nối dài hơn 40km tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên
Thêm nghi vấn cháu cục trưởng trúng tuyển
Dinh thự hoành tráng, vườn cao su bát ngát của Chủ tịch Bình Dương?
U19 VN – U19 Thái Lan: Tiến gần vinh quang
Chấm dứt hợp đồng với 2 nhà thầu Trung Quốc