Trang chủ > Tin tức
Biệt đãi FDI: Việt Nam kém Thái Lan vì thiếu...
(Doanh nghiệp) - Ưu đãi FDI, xã hội mất phí, ngân sách tổn thất nhưng đóng góp cho GDP lại chưa thỏa đáng.
PGS.TS Phạm Văn Hùng, trưởng khoa đầu tư - ĐHKTQD Hà Nội cho biết.
Không đạt mục tiêu thu hút FDI
PV:- Mới đây, Bộ Tài chính đã đồng tình với đề xuất ưu đãi thuế cho dự án nhà máy lọc dầu Nhơn Hội (Bình Định) của tập đoàn PTT (Thái Lan). Dù khẳng định việc này đúng luật nhưng Bộ Tài chính cũng cho biết, "cứ ưu đãi còn người Việt Nam sẽ được hưởng gì từ nhà máy này còn chưa rõ". Điều này đã từng xảy ra ở dự án Formosa, các dự án FDI Trung Quốc (mang cả lao động phổ thông sang Việt Nam)... Thưa ông, vậy sự ưu đãi nói trên nhằm vào mục tiêu gì và mang lợi ích cho ai?
PGS.TS Phạm Văn Hùng: - Về mặt lý thuyết tất cả ưu đãi cho đầu tư cũng là nhằm mục đích thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều khi quan niệm về môi trường đầu tư tốt đã chưa được hiểu đúng và không ít người hiểu rằng "môi trường đầu tư tốt là có nhiều ưu đãi", và tốt là chỉ tốt với nhà đầu tư. Điều này là chưa chính xác.
Thu hút FDI không đạt được mục đích Từ cách hiểu lệch lạc này mà một số chính sách ưu tiên, ưu đãi chỉ hướng tới một số đối tượng, một nhóm đối tượng. Từ đó, có thể trong một số trường hợp đã dẫn tới những hệ lụy khó lường. Trong một chừng mực nhất định nếu chính sách ưu tiên, ưu đãi quá nhiều cho một số chủ thể này nó sẽ có mâu thuẫn và xung đột với lợi ích của những chủ thể khác.
Báo cáo phát triển thế giới 2005 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã đưa ra quan niệm về môi trường đầu tư tốt đó phải là môi trường đầu tư tốt cho tất cả mọi người, tốt cho tất cả các chủ thể tham gia đầu tư chứ không phải chỉ tốt với nhà đầu tư. Tức là tốt cho nhà đầu tư, tốt cho người tiêu dùng và tốt hơn cho người lao động, tốt hơn cho nhà nước, tốt hơn cho cả cộng đồng và tốt hơn cho toàn bộ xã hội.
Vậy thì để đạt được môi trường đầu tư tốt đó thì phải có nhiều chính sách, nhiều biện pháp khác nhau chứ không phải cứ ưu tiên, ưu đãi.
PV:- Trên thực tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước của các dự án FDI hạn chế do những ưu đãi về thuế, việc chuyển giao công nghệ gần như không được thực hiện (do những hạn chế về trình độ của lao động VN và thiếu ràng buộc pháp lý) hay nói cách khác, Việt Nam chỉ tham gia gia công sản phẩm. Điều này phần nào được thể hiện qua đóng góp của khu vực FDI trong GDP. Tuy giá trị xuất khẩu rất lớn nhưng giá trị gia tăng của khu vực này trong GDP chỉ khoảng 18% (theo số liệu của TCTK).
Theo ông, cách nhìn nhận và ứng xử với đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay đang như thế nào mà lại xảy ra tình trạng chỉ cho mà chưa đòi nhận như trên?
PGS.TS Phạm Văn Hùng: - Giá trị gia tăng của FDI trong GDP khoảng 18%, nếu so với tổng vốn đầu tư trên toàn xã hội (khoảng 20%) là bình thường. Tuy nhiên, mức đóng góp như vậy là thấp hơn so với tiềm năng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài – khu vực luôn được đánh giá là năng động, hiệu quả hơn các khu vực kinh tế khác - và cũng thấp hơn so với kỳ vọng.
Bên cạnh đó, khi ưu đãi cho doanh nghiệp FDI nghĩa là xã hội chấp nhận một khoản chi phí (đáng lẽ thu được nhưng lại không thu) để khuyến khích đầu tư, ngân sách sẽ tổn thất đáng kể trong khi đóng góp trực tiếp cho GDP lại chưa thỏa đáng.
Nhưng đóng góp cho GDP không quan trọng bằng hiệu quả gián tiếp của FDI với nền kinh tế, sức lan tỏa, kích thích sản xuất phụ trợ, hiệu quả chuyển giao công nghệ, sự lan tỏa tri thức kinh doanh... Nghĩa là so với kỳ vọng nhất là sự lan tỏa với nền kinh tế và so với ưu đãi đã dành cho FDI thì cái FDI đang đóng góp chưa phải là kết quả chúng ta mong đợi.
Nhất là gần đây chuyên gia nói rất nhiều tới câu chuyện mang lao động phổ thông của nước ngoài vào những dự án này, như Formosa Hà Tĩnh, hơn 2000 lao động Trung Quốc tại Trà Vinh và nhiều trường hợp khác. Không những thế, việc chuyển giao công nghệ hiệu quả mới đạt khoảng 5%, con số quá khiêm tốn. Hầu hết trong các dự án FDI đều là công nghệ lạc hậu, người Việt Nam không được tiếp cận với công nghệ hiện đại mà chủ yếu là đi làm gia công, nghĩa là các kỳ vọng vào FDI gần như đều chưa đạt được mục đích.
Đặc biệt là trong mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI gần như không có.
Làm sao để DN Việt không bị ép trên sân nhà?
PV:- Cái mà FDI đóng góp vào GDP thực chất là chúng ta tận dụng được lao động giá rẻ và làm gia công không hơn không kém. Phải chăng, với chính sách thu hút FDI như hiện nay là chúng ta đã yên tâm bằng lòng với nền kinh tế gia công, làm thuê, thưa ông?
PGS.TS Phạm Văn Hùng: - Đó cũng là vấn đề lớn nhất chúng ta đang phải tính tới trong tương lai để tăng được liên kết chiều dọc và chiều ngang giữa DN trong nước và DN FDI.
Để làm được như vậy thì chiến lược thu hút FDI phải được đặt trong chiến lược phát triển tổng thể nền kinh tế. Khi đó, sẽ phải xác định rõ khu vực nào trong nước làm được, khu vực nào thu hút FDI.
Quan trọng hơn cả là làm sao phải để DN trong nước tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu với sự hợp tác với các DN FDI, tức là tạo liên kết theo chiều dọc (doanh nghiệp trong nước tạo quan hệ ổn định để cung cấp sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp FDI và qua đó doanh nghiệp trong nước sẽ được doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý và kinh doanh) và liên kết theo chiều ngang (hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia phát triển một số sản phẩm theo các bước khác nhau, phát triển dựa trên thương hiệu để hướng tới sản xuất có những sản phẩm mang thượng hiệu Việt Nam).
Thứ hai, liên quan tới kết quả và đánh giá. Tôi cho rằng, chúng ta khi đánh giá thu hút nước ngoài vẫn chỉ nhìn vào số lượng chứ chưa quan tâm đến chất lượng. Hầu như các đánh giá kết quả thu hút FDI đều chỉ quan tâm đến quy mô vốn, số lượng dự án dẫn tới tình trạng một số tỉnh chạy theo số lượng, phê duyệt để báo cáo thành tích. Theo tôi, cần phải có tiêu chí đánh giá chất lượng dự án dựa trên mức độ đóng góp, khả năng liên kết với doanh nghiệp trong nước nước, sức lan tỏa với nền kinh tế thế nào.... đó mới là yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng một dự án FDI.
PV:- Nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo, việc ưu đãi tối đa cho các doanh nghiệp FDI ở tất cả các lĩnh vực sẽ ép chết những ngành sản xuất tương tự trong nước (đồng nghĩa ép chết doanh nghiệp trong nước). Tới thời điểm này, cảnh báo đó đúng ở mức độ nào? Xin ông phân tích kỹ một vài trường hợp cụ thể?.
PGS.TS Phạm Văn Hùng: - Để hướng tới sự phát triển bền vững thì phải tạo được môi trường phát triển công bằng, minh bạch kể cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Đối với ưu đãi cho khu vực đầu tư nước ngoài trong chừng mực nhất định nào đó nếu nó không tương thích với ưu đãi trong nước nó sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của DN trong nước nhất là khi nền kinh tế của chúng ta còn rất non trẻ.
Do đó phải có những khuyến khích chọn lọc. Đối với nền kinh tế trong nước phải có chính sách ưu tiên những lĩnh vực DN trong nước có thể làm và phải có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN trong nước làm được.
Một số quốc gia trước đây cũng có những chính sách bảo vệ ngành kinh tế non trẻ nhưng chính sách này cũng có hai mặt. Tương tự như các trường hợp DNNN, Tập đoàn kinh tế của chúng ta hiện nay. Do được bao bọc quá nhiều, nhưng hoạt động thường xuyên thua lỗ, không hiệu quả. Nghĩa là chính sách bảo hộ đó sẽ biến nền kinh tế này cứ mãi là nền kinh tế non trẻ kinh niên, mãi ỉ lại. Do đó, chính sách bảo hộ nhưng phải đi cùng với chính sách thúc đẩy họ tự phát triển.
PV:- Vậy theo ông, nên quy hoạch ngành kinh tế Việt Nam như thế nào, thưa ông? Nếu thu hút FDI chạy theo số lượng, thiếu sự lựa chọn chiến lược, năng lực trong nước yếu sẽ dẫn tới điều gì?
PGS.TS Phạm Văn Hùng:- Hiện nay có một thực tế chúng ta đang chạy theo số lượng, không đánh giá theo tiêu chí FDI có tốt hay không mà chúng ta mới chỉ nhìn vào bao nhiêu dự án, bao nhiêu vốn... khi thu hút cũng chỉ thu hút thật nhiều mà không chọn lọc. Vấn đề ở đây vẫn phải là thu hút vào làm gì, đóng góp cho nền kinh tế tới đâu, nếu không xác định rõ mục tiêu như vậy thì chúng ta có thể không chấp nhận thu hút.
Thậm chí một số lĩnh vực chúng ta chưa phát triển nhưng có tiềm năng thì không cần phải ưu đãi cho FDI mà để sau này doanh nghiệp trong nước làm. Một số lĩnh vực chúng ta có lợi thế thì hoàn toàn có thể cho doanh nghiệp trong nước đảm đương. Tôi lấy ví dụ như dệt may, da giày, khai khoáng... tôi cho rằng VN hoàn toàn có thể làm được, thậm chí có thể làm tốt. Chính sách thu hút thiếu chọn lọc được thực hiện trong giai đoạn đầu của thời kỳ mở cửa. Hiện tại, chính sách này không còn phù hợp với điều kiện của Việt Nam nữa.
Đến nay, tôi cho rằng chúng ta đã nhận thức được và đang đi vào quá trình thực hiện, chỉ tiếc thời gian nhận thức đó hơi dài.
Bài học FDI Thái Lan
PV:- Không thể phủ nhận, dòng vốn đầu tư trực tiếp rất quan trọng đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Liệu ông có thể dẫn ra vài ví dụ về việc ứng xử với đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của các nước có điều kiện tương tự như Viêt Nam?
PGS.TS Phạm Văn Hùng: - Tôi lấy ví dụ với trường hợp của Thái Lan, chỉ trong vài năm gần đây họ đã vượt các nước láng giềng và trở thành điểm đến hấp dẫn với đầu tư nước ngoài. Thái Lan họ có chính sách rất rõ ràng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Cụ thể, có 7 nhóm ngành họ khuyến khích và xác định rõ có những nhóm bị hạn chế, có những nhóm hoạt động đầu tư nước ngoài không được phép thực hiện.
Cụ thể 7 nhóm khuyến khích bao gồm: Nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp; khai thác, gốm sứ, kim loại gốc; công nghiệp nhẹ;sản phẩm kim loại, thiết bị vận tải, máy móc; thiết bị điện, hóa chất, dịch vụ công cộng... Trong đó họ đặc biệt tập trung đầu tư vào các ngành sản xuất, máy móc, thiết bị vận tải chiếm 59-60% tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Điều quan trọng, khi thẩm định, cấp phép đầu tư họ đưa ra hệ thống, tiêu chuẩn tác động cụ thể. Tức là tiêu chí đánh giá ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng của quốc gia, xem xét tác động với phát triển kinh tế xã hội, quy mô sử dụng lao động địa phương làm căn cứ để chấp thuận đầu tư hay không. Các dự án sẽ được chấp thuận nếu góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia.
Tại VN do chiến lược thu hút FDI chưa được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Chưa xác định rõ được mục tiêu thu hút để làm gì, mà chỉ nhìn vào con số, cứ thu hút được đã mà không để ý tới tác động. Khi chưa xác định được mục tiêu rõ ràng nó sẽ để lại những hậu quả không như chúng ta mong muốn.
Cụ thể hiện nay chúng ta đang nhìn thấy là DN trong nước thì khó khăn, lao động không có việc làm, nền kinh tế chủ yếu là phụ thuộc và gia công.
PV:- Vậy, họ đã giải bài toán trao đổi lợi ích như thế nào để người dân của họ được nhiều nhất từ việc đầu tư trực tiếp từ nước ngoài?
PGS.TS Phạm Văn Hùng: - Cái này xuất phát từ mục tiêu tổng thể trong chính sách của họ, họ xác định rõ thu hút cái gì, có lộ trình hợp lý để dần làm chủ công nghệ và tiến tới có sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Ban đầu có thể chấp nhận các doanh nghiệp trong nước hợp tác sản xuất và cung ứng các sản phẩm dới thương hiệu nước ngoài, nhưng sau đó sẽ tự mình thiết kế sản phẩm, tạo ra những sản phẩm của mình để chào hang các công ty đa quốc gia và cuối cùng tiến đến giai đoạn đầu tư xây dựng thương hiệu làm chủ hoàn toàn sản phẩm của mình.
PV:- Với việc thu hút FDI các nhà quản lý kỳ vọng làm tăng GDP. Tuy nhiên, các chuyên gia chứng minh chúng ta đang có sự ngộ nhận về GDP và thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam. Nguyên nhân của thực trạng cho mà chưa cần nhận này là do chính sách hay do con người, thưa ông? Tới thời điểm này, thay đổi có còn kịp không? Nếu được, chúng ta cần phải thay đổi như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Phạm Văn Hùng: - Chính sách là do con người xây dựng, con người thực thi. Vấn đề không phải là cho hay nhận mà là làm như thế nào để phát huy năng lực nội tại với mục tiêu phát triển bền vững. Huy động nguồn vốn nước ngoài để củng cố nội lực và gia tăng sức cạnh tranh.
Tôi cho rằng, để tận dụng nguồn vốn bên ngoài nhằm củng cố nội lực thì chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cần được đặt trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế xã hội với các mục tiêu được xác định rõ ràng. Cần có sự thay đổi nhận thức về môi trường đầu tư tốt – đó là môi trường đầu tư tốt hơn cho tất cả mọi người - chứ không phải chỉ tốt cho nhà đầu tư. Trong quản lý hoạt động đầu tư, tất cả các lợi ích đều phải tuân thủ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.
PV:- Xin cảm ơn ông!
Hiếu Lam
Các bài viết khác
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Dự án đường giao thông thành phố Hà Nội
Thông xe 24 cầu vượt trên quốc lộ 5
Khánh thành Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long và động thổ đoạn Bắc Ninh - Uông Bí
Tháng 8 sẽ hoàn thành cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Bộ Giao thông lập 8 đoàn xử lý xe cơi nới thùng hàng
Kết nối các phương thức vận tải tuyến Hải Phòng - Lào Cai
Singapore xây dựng hàng rào chống ồn giao thông
Cầu 12 tiên phong đổi mới công nghệ làm cầu
Hà Nội thống nhất xây cầu mới cách cầu Long Biên 75m
Mua bán thầu vẫn còn "đất diễn"
Nối dài hơn 40km tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên
Thêm nghi vấn cháu cục trưởng trúng tuyển
Dinh thự hoành tráng, vườn cao su bát ngát của Chủ tịch Bình Dương?
U19 VN – U19 Thái Lan: Tiến gần vinh quang