Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội:
Xử lý được nhiều tồn tại, hạn chế
Đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tôi và nhiều đại biểu Quốc hội còn tỏ ra lo lắng cho sự bộn bề của ngành GTVT. Đến nửa cuối nhiệm kỳ, chúng tôi rất vui khi ngành đã đi đúng đường, đúng hướng và xử lý được nhiều tồn tại, hạn chế.
Bộ GTVT đã phát huy được sức mạnh tổng hợp chung của các cấp, ngành, địa phương, huy động lực lượng của toàn ngành vào cuộc, tạo ra chuyển biến tích cực, được đa số đại biểu Quốc hội tin tưởng. Nếu cứ đà này, ngành GTVT sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ cả năm và của cả nhiệm kỳ.
Ba năm trở lại đây, ngành GTVT có những bước phát triển rõ rệt trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giao thông đường bộ. Điển hình là chủ trương đầu tư xây dựng dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến QL1, QL14; Bộ GTVT quyết liệt vào cuộc để kiểm soát tình trạng xe quá tải lộng hành trên nhiều tuyến đường được dư luận cả nước đồng tình ủng hộ; Ngành Giao thông đã có chủ trương và giải pháp đồng bộ để kéo giảm số vụ, số người chết và người bị thương liên quan đến TNGT qua từng năm.
Các ngành Đường sắt và Hàng không đã có những bước chuyển mình kể từ khi lãnh đạo Bộ GTVT có những chỉ đạo chấn chỉnh. Gần đây, hàng loạt các tồn tại, hạn chế diễn ra trong ngành Hàng không đã được xử lý triệt để bằng nhiều biện pháp mạnh như: Tước bằng lái của phi công, truy trách nhiệm của lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay,…
Một đột phá khác của ngành GTVT cần phải nhắc đến đó là công tác nhân sự. Nhiều chức danh chủ chốt như: Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, Vụ trưởng Vụ Vận tải,…đã được thi tuyển công khai, minh bạch, lấy mục tiêu chất lượng, lựa chọn người có tài, đức làm đầu đã được dư luận xã hội đánh giá cao. Trong các cuộc thi tuyển này, lãnh đạo Bộ trao toàn quyền cho một hội đồng giám khảo độc lập, đó thực sự là bước đột phá lớn.
Để có được những bước tiến trên, trước hết xuất phát từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GTVT, đặc biệt là người đứng đầu, luôn bám sát và dõi theo từng công việc, có thái độ kiên quyết, dám nhìn thẳng vào khuyết điểm, sẵn sàng xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân trong ngành vi phạm.
Bên cạnh mặt tích cực, ngành GTVT còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới như: Hệ thống kết nối các loại hình giao thông vẫn chưa đồng bộ. Ngành còn tập trung quá nhiều vào đầu tư đường bộ, trong khi đường sắt và đường thủy chưa được quan tâm đúng mức.
Nguyên Vụ trưởng Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) Hà Đình Cẩn:
Vui vì ngành đã có sự đổi mới tư duy
Có thể nói, trong mấy năm qua, Bộ GTVT là một trong những Bộ có nhiều hoạt động nổi bật, thay đổi tích cực. Tôi cho rằng, để có những thành công trên là sự thay đổi về suy nghĩ và tư duy của lãnh đạo Bộ. Bản thân tôi dù đã về hưu nhưng vẫn quan tâm, theo dõi các hoạt động của Ngành và cảm thấy rất vui về điều đó.
Có thể kể ra những việc mà Bộ GTVT đã làm được và được dư luận, người dân đánh giá cao.
Chẳng hạn như vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông tại các đô thị với việc xây dựng các cây cầu vượt bằng sắt. Ai cũng biết, muốn giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại các đô thị thì phải xây dựng các nút giao lập thể, khác mức. Đây cũng là điều mà bất kỳ ai làm trong lĩnh vực GTVT đều biết nhưng chỉ đến thời kỳ của Bộ trưởng Đinh La Thăng mới làm được. Đến nay, ùn tắc giao thông đã cơ bản được giải quyết, chứng minh giải pháp trên là rất đúng và trúng.
Một động thái của Bộ GTVT cũng được đánh giá cao là việc củng cố lại nhận thức, tổ chức, quản lý chất lượng công trình và kiện toàn lại các ban QLDA. Thực tế cho thấy, việc đầu tư các công trình giao thông rất tốn kém, nhưng việc sử dụng đồng vốn ấy có hiệu quả hay không lại phụ thuộc rất lớn vào trình độ quản lý và sự thể hiện trách nhiệm của các ban QLDA. Không thể để tình trạng chỗ này, chỗ kia chất lượng công trình kém mà ban QLDA cứ bình chân như vại được.
Tôi đánh giá cao việc Bộ GTVT thẳng tay “trảm” các nhà thầu, thay đổi lãnh đạo tại các ban QLDA, bởi chỉ có như vậy mới tăng cường được trách nhiệm quản lý. Anh thay mặt Nhà nước cầm tiền để làm đường thì không thể đổ vấy, đổ vá chỗ này chỗ khác được. Vì thế, việc gắn trách nhiệm của các ban QLDA với tiến độ và chất lượng công trình là rất đích đáng. Tất nhiên, ngay lập tức làm chuyển biến cả một hệ thống là việc rất khó mà cần phải có thời gian, nhưng cách đặt vấn đề như Bộ GTVT hiện nay tôi cho là đúng đắn.
Đối với vấn đề an toàn công trình giao thông thời gian qua cũng luôn nóng bỏng. Việc Bộ trưởng Đinh La Thăng cho kiểm tra, rà soát toàn bộ những cầu yếu là một chủ trương đúng đắn. Những cây cầu này có thể sập bất cứ lúc nào, nếu không nắm được những thông số kỹ thuật, tình trạng của cầu để có biện pháp sửa chữa, khắc phục và khai thác sẽ rất nguy hiểm, hậu họa sẽ khôn lường.
Còn về ATGT, việc tăng cường siết chặt hoạt động vận tải, xử lý vi phạm từ gốc vấn đề như: Xử lý các doanh nghiệp, lắp thiết bị giám sát hành trình trên xe khách hay tập trung quản lý một số loại phương tiện quan trọng… cũng là giải pháp mang lại hiệu quả và được xã hội đánh giá cao.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, Bộ GTVT tiến hành kiểm soát chặt tải trọng xe là đích đáng quá. Người dân cả nước nhiệt thành ủng hộ việc làm thiết thực này. Với những người từng làm cầu đường như chúng tôi, càng thấy đây là một giải pháp đích đáng để bảo vệ công trình đường bộ. Một chiếc xe quá tải chỉ vì lợi ích của một vài cá nhân, doanh nghiệp mà phá hỏng cả một con đường phải đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng ra để đầu tư là điều không thể chấp nhận, gây thiệt hại quá lớn cho Nhà nước, xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều giải pháp hiệu quả, tôi vẫn thấy một vài lĩnh vực làm chưa thực sự tốt. Chẳng hạn như trong lĩnh vực quy hoạch phát triển, dường như chưa được lãnh đạo Bộ GTVT quan tâm. Chẳng hạn như việc phát triển các sân bay, cảng nước sâu hiện nay cần phải tính toán hợp lý. Hiện nay, vẫn thiếu một quy hoạch phù hợp, bởi chỗ nào cũng thấy xây dựng sân bay, cảng nước sâu mà chưa tính đến hiệu quả khai thác cũng như sự phân bổ để tránh chồng chéo, gây lãng phí.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn:
Ngành GTVT đang thực sự hành động để cống hiến cho nhân dân
Bộ GTVT nhận thức rất sâu sắc và đầy đủ Nghị quyết của Trung ương Đảng về thực hiện các đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Theo dõi tình hình của ngành GTVT thời gian qua, tôi thấy có sự chuyển động rất tốt, rất rõ ràng. Bản thân người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng rất có trách nhiệm và quyết liệt trong công việc. Ông dám đưa ra những đề xuất thể chế mới, sáng tạo và những định hướng đưa ra đều rõ rệt và hành động tới cùng, hành động để cống hiến cho nhân dân. Các lão thành cách mạng đánh giá Bộ trưởng Thăng là người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Có những việc mà trong thời gian đầu, Bộ trưởng Thăng nhậm chức cũng chưa hiểu rõ hết, nhưng nhận thấy sai đâu là kịp thời sửa và chịu trách nhiệm tới cùng.
Thành công của Bộ GTVT trong thời qua là huy động được nguồn vốn xã hội rất lớn để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông. Trước đây ngành GTVT đã thực hiện huy động vốn theo hình thức PPP như đối với cầu Rạch Miễu, Yên Lệnh hoặc vận động dùng vốn doanh nghiệp để đầu tư thảm đường để thu phí phục vụ duy tu, bảo trì đường. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động không được nhiều và cũng chưa đưa ra được thể chế, chính sách rõ ràng.
Tôi cũng hoan nghênh việc Bộ trưởng Thăng trong việc thực hiện quyết liệt, triệt để, gần như cuộc “cách mạng” trong vấn đề chất lượng công trình giao thông, đổi mới ngành Đường sắt, Hàng không, Đăng kiểm… Phương án thi tuyển cán bộ mà Bộ GTVT đang thực hiện cũng rất hay, nếu làm được sẽ là hình mẫu cho các lĩnh vực khác cùng làm.
Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội:
Tiến độ, chất lượng công trình có sự chuyển biến rõ rệt
Ngành GTVT đã có bước tiến vượt bậc về tiến độ và chất lượng các công trình và huy động vốn đầu tư cho các dự án giao thông.
Bên cạnh việc sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, ngành GTVT đã huy động được khoảng 100 nghìn tỷ đồng vốn xã hội hóa để đầu tư vào lĩnh vực giao thông. Hầu hết các dự án, công trình do Bộ GTVT làm chủ đầu tư có sự tiến bộ rất lớn trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là các công trình cầu, hầm và cảng hàng không.
Đối với lĩnh vực đường bộ, nhiều tuyến đường trong các khu vực trọng điểm đã được đẩy mạnh kết nối giao thông đến các vùng khó khăn. Đặc biệt, các công trình nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch như: Dự án đường Hồ Chí Minh; nâng cấp, mở rộng QL1, QL14 được tập trung đầu tư và có chuyển biến rõ rệt so với trước đây. Về lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT đã triển khai đầu tư xây dựng và nâng cấp, mở rộng nhiều công trình nhà ga cảng hàng không, sân bay như: Nhà ga hành khách quốc tế T2 Nội Bài, Sân bay Cần Thơ, Sân bay Phú Quốc,… qua đó thúc đẩy giao thương giữa các vùng miền, tăng khối lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa trong nước và quốc tế.
Nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận đánh giá cao những chuyển biến của ngành GTVT trong thời gian qua là nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của lãnh đạo Bộ GTVT. Trong công tác chỉ đạo, trọng tâm của lãnh đạo Bộ GTVT hướng đến là tiến độ và chất lượng các công trình giao thông. Thực tế đã chứng minh, những chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT đã đem lại hiệu quả đáng ghi nhận. Nhiều công trình giao thông được thực hiện với tiến độ thần tốc, chất lượng ngày càng được nâng cao, góp phần tăng hiệu quả đầu tư công cũng như đầu tư của xã hội vào hạ tầng giao thông.
Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội:
Tính toán nâng cao hiệu quả đầu tư hơn nữa
Bộ GTVT đang triển khai xây dựng 186 cầu treo dân sinh để đảm bảo ATGT trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên nhằm giải quyết nhu cầu đi lại cấp bách của người dân, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Bộ GTVT.
Dấu ấn tích cực của ngành GTVT trong thời gian qua thể hiện rõ ở tiến độ và chất lượng của các công trình đã có sự thay đổi nhiều theo chiều hướng tốt. Đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng trực tiếp đi kiểm tra, phát hiện nhiều vấn đề còn tồn tại ở một số dự án, công trình của ngành, lập tức Bộ trưởng đã đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ vướng mắc ngay tại hiện trường. Tôi cho rằng đây là những việc làm được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao và đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cần tính toán để nâng hiệu quả đầu tư hơn nữa. Hiện nay, nhiều khu vực miền núi, người dân sống rất phân tán, có nơi chỉ vài ba hộ dân, nên nhu cầu xây dựng cầu bắc qua sông, suối là rất lớn. Chi phí để xây dựng một cây cầu ít thì cũng vài tỷ đồng, nhiều thì vài chục tỷ đồng, thậm chí có những cây cầu lên đến cả trăm tỷ đồng, cho nên chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng xem khả năng có đến đâu, điểm xây dựng có phù hợp hay không mới quyết định đầu tư.
Ở đồng bằng mở một tuyến đường 20-30 tỷ đồng có thể phục vụ cho cả nghìn hộ dân nhưng ở miền núi, với số tiền ấy có khi chỉ phục vụ cho khoảng vài chục nhân khẩu, nên cần phải tính toán kỹ trước khi đầu tư. Nhiều nơi người dân phải chui vào túi ni lông để qua suối, rồi đu dây để vượt sông, những chuyện ấy là có thật nhưng mình phải nghiên cứu kỹ tình hình. Tôi đã xuống thực địa nhiều nơi như thế, từ nơi dân cư đến nơi sản xuất phải qua một con suối vừa sâu vừa dài, nếu xây cầu cũng phải mất vài chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng nhưng chỉ phục vụ cho mấy hộ sản xuất như vậy thì rất tốn kém.
Đình Quang - Tiến Mạnh - Huy Lộc